Gia đình hiện đại giáo dục con như thế nào là đúng?
“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” câu nói của cha ông ám chỉ việc giáo dục con cái trong gia đình có tốt hay không là do người phụ nữ. Tuy nhiên hiện nay, việc giáo dục con cái còn là trách nhiệm của cả gia đình, không của riêng ai.
Khác với giáo dục ở nhà trường dựa trên nghĩa vụ và trách nhiệm của học sinh, ở gia đình việc giáo dục con trẻ lại dựa trên tình thương giữa cha mẹ và con cái. Vì thế những gì cha mẹ giáo dục, con trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn.
Song vấn đề này tưởng như một vấn đề tự nhiên bậc cha mẹ nào cũng có thể làm được, song trong sự nghiệp giáo dục con cái vẫn cần có những nguyên tắc nhất định.
Xác định tầm quan trọng giáo dục con cái
Ngay từ lúc con trẻ bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh các bậc cha mẹ cần phải nghiêm túc trong việc dạy bảo, uốn nắn con kể cả những việc nhỏ nhất.
Cha mẹ sẽ là người định hướng để trẻ chủ động và phát huy sức sáng tạo vốn có. Cho nên, mỗi người làm cha làm mẹ phải tự trau dồi, nâng cao kiến thức giáo dục trẻ khoa học nhất.
Cha mẹ phải xác định rõ nhiệm vụ của mình là giúp trẻ định hướng, không nên ép buộc trẻ. Bởi việc định hướng đúng việc giáo dục trẻ sẽ thấy thoải mái, phát triển hết khả năng để học tập và làm việc hướng tới tương lai.
Xác định mục tiêu giáo dục
Các bậc cha mẹ cần xác định rõ mục tiêu giáo dục con trẻ, phải uốn nắn, dạy dỗ trẻ ngay từ lúc nhỏ để trẻ biết cái gì đúng, cái gì sai.
Việc này sẽ dựa trên cả mong muốn và ý thích của trẻ, tuyệt đối cha mẹ không nên làm theo ý mình, bắt buộc trẻ làm việc mà trẻ không muốn hoặc mong đọi quá nhiều từ con. Điều này khiến trẻ cảm thấy áp lực, mệt mỏi, trầm cảm,…
Căn cứ vào từng giai đoạn phát triển , các bậc cha mẹ có thể đề ra các mục tiêu phấn đấu dựa trên đặc điểm cụ thể của trẻ và điều kiện gia đình.
Làm gương cho trẻ
Một tiến sĩ giáo dục người Nga có nói: “Với những người làm cha mẹ thì việc giáo dục trong gia đình trước tiên là tự giáo dục”. Thật vậy, muốn giáo dục con cái tốt thì chính cha mẹ cũng phải là một tấm gương cho con học tập.
Đây là nguyên tắc quyết định đối với công cuộc “trồng người” đầy gian nan về sau. Trẻ em rất nhạy cảm, việc cha mẹ làm gì, nói gì sẽ tác động trực tiếp đến não bộ trẻ khiến trẻ hay bắt chước theo.
Cha mẹ phải hết sức chú ý đến những hành động, cử chỉ, lời nói của mình trong gia đình tránh việc trẻ học phải những thói quen xấu, ảnh hưởng đến mọi hành động của trẻ về sau.
Yêu thương trẻ
Yêu thương con vô điều kiện dù con có những khuyết điểm. Luôn thể hiện tình yêu với con, tránh việc ghét bỏ làm con tự ti, xa lành thế giới xung quanh.
Hầu hết các ông bố bà mẹ thường có thói quen so sánh con cái với những người xung quanh. Điều này là không nên bởi mỗi người sinh ra không ai giống ai, khi so sánh vậy vô tình khiến con trẻ cảm giác kém cỏi, thiếu tự ti, sau đó là trầm cảm.
Ngoài ra gia đình cũng nên tạo không khí vui vẻ, đầm ấm để trẻ có cảm giác an toàn, thích thú khi về nhà. Bên cạnh đó mỗi gia đình cũng nên có những khuôn phép, kỷ luật riêng để trẻ làm quen và tập sống có nề nếp ngay từ nhỏ.
Tôn trọng con trẻ
Các bậc cho mẹ cần làm là luôn luôn lắng nghe, tâm sự và chia sẻ cùng con cái. Tự đặt mình vào vị trí một người bạn của con mình, để trẻ có thể thoải mái sẻ chia nhưng vướng mắc trong cuộc sống.
Không áp đặt con cái làm theo ý cha mẹ và bác bỏ suy nghĩ, chính kiên riêng của chúng khiến trẻ có cảm giác bị cô lập, bị áp lực về lâu dài rất dễ gây chứng trầm cảm hoặc tự kỷ.
Sự thiếu tôn trọng con cái sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ và sự phát triển lành mạnh của trẻ trong tương lai.
Nói chung, việc giáo dục con cái trong gia đình là vấn đề muôn thuở không gia đình giống gia đình nào hết. Tuy nhiên những điều chia sẻ bên trên sẽ là chìa khóa vàng để các bậc cha mẹ dễ dàng mở lòng trẻ, dễ dàng dạy dỗ trẻ tốt hơn bao giờ hết.