HỢP ĐỒNG DÂN SỰ / ĐẶC ĐIỂM / PHÂN LOẠI
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cũng như trong cuộc sống hàng ngày một yếu tố không thể thiếu được là phải có sự giao lưu dân sự, đó là sự chuyển giao tài sản, quyền tài sản hoặc thực hiện một dịch vụ nào đó giữa người này với người khác, giữa tổ chức này với tổ chức khác, giữa pháp nhân này với pháp nhân khác.
Sự giao lưu dân sự thường được hình thành thông qua sự thỏa thuận giữa các bên, trên cơ sở đó pháp luật buộc các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ.
Sự thỏa thuận đó gọi là: HỢP ĐỒNG.
Hợp đồng đáp ứng các nhu cầu về cung và cầu của từng chủ thể, thông qua đó tạo sự cân đối thực sự giữa cung và cầu trên phạm vi toàn xã hội. Hợp đồng giải phóng các chủ thể khỏi các của cải không cần thiết đối với mình để đổi lấy tiền hoặc các của cải cần thiết.
Cũng thông qua hợp đồng người dân có thể dùngcác khoản thu nhập bằng tiền của mình để đổi lấy các vật dụng cần thiết đảm bảo nhu cầu cuộc sống vật chất và văn hóa thường ngày.
Có thể nói, hợp đồng dân sự là loại giao dịch phổ biến nhất trong đời sống, trong đó các bên trao đổi ý chí, thỏa thuận nhằm làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự nhất định.
Điều 385 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”
ĐẶC ĐIỂM:
Sự thỏa thuận là yếu tố bắt buộc phải có trong hợp đồng. Khi nói đến hợp đồng bao giờ cũng có thỏa thuận ít nhất của hai bên (bên bán tài sản, bên mua tài sản; bên cho thuê nhà và bên thuê nhà…). Muốn có sự thỏa thuận các chủ thể phải bày tỏ ý chí của mình dưới một hình thức nhất định để các chủ thể có thể nhận biết được ý chí của nhau, để cùng nhau bàn bạc, đi đến sự thống nhất ý chí. Có một số trường hợp tuy không có sự bàn bạc giữa các bên mà một bên đơn phương ấn định các điều khoản của hợp đồng, còn bên kia chỉ có chấp nhận hay không chấp nhận.
Ví dụ như ký hợp đồng mẫu với các công ty điện, nước, các điều khoản của hợp đồng do công ty điện, nước quy định sẵn, người tiêu dùng chỉ có ký hoặc không ký. Nhưng như vậy không có nghĩa là không có sự thỏa thuận giữa công ty điện, nước và người tiêu dùng. Sự thỏa thuận ở đây được thể hiện dưới sự mặc nhiên đồng ý của người tiêu dùng với những điều khoản mà công ty điện, nước đã đưa ra theo hợp đồng mẫu.
Sự thỏa thuận giữa các bên mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để tạo thành hợp đồng. Nếu sự thỏa thuận giữa các bên không nhằm mục đích tạo lập ra hiệu lực pháp lý (quyền và nghĩa vụ) thì cũng không hình thành hợp đồng. Có những thỏa thuận không làm phát sinh một nghĩa vụ pháp lý dân sự. Hậu quả pháp lý mà các bên thường nhằm hướng tới khi giao kết hợp đồng dân sự là làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng nhằm làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự đang tồn tại giữa họ hoặc làm thay đổi quyền, nghĩa vụ dân sự
đang tồn tại đó.
PHÂN LOẠI:
Tại Điều 402 BLDS năm 2015 có định nghĩa một số loại hợp đồng cơ bản. Căn cứ vào đó ta có thể phân loại hợp đồng dân sự theo các tiêu chí sau:
Căn cứ vào hình thức của hợp đồng: Hợp đồng dân sự được phân thành
- Hợp đồng bằng lời nói.
- Hợp đồng bằng văn bản.
- Hợp đồng bằng hành vi.
Căn cứ vào mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng
Hợp đồng dân sự được phân thành hai loại là: Hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ.
- Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau (Khoản 1 Điều 402 BLDS năm 2015). Hay nói cách khác, trong nội dung của hợp đồng song vụ mỗi bên chủ thể là người vừa có quyền vừa có nghĩa vụ, quyền dân sự của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
- Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ (Khoản 2 Điều 402 BLDS năm 2015).
Căn cứ vào sự phụ thuộc lẫn nhau về hiệu lực giữa các hợp đồng
Hợp đồng dân sự được phân thành hai loại: Hợp đồng chính và hợp đồng phụ.
- Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng
phụ (Khoản 3 Điều 402 BLDS năm 2015). Tức là khi hợp đồng giao kết đã tuân
thủ tất cả các điều kiện mà pháp luật đã quy định thì đương nhiên sẽ phát sinh
hiệu lực và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên.
- Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính
(Khoản 4 Điều 402 BLDS năm 2015). Tức là ngoài việc đáp ứng đầy đủ các điều
kiện có hiệu lực do luật định, hợp đồng phụ chỉ phát sinh hiệu lực nếu hợp đồng
chính có hiệu lực.
Căn cứ vào tính chất có đi có lại về lợi ích của các chủ thể
Hợp đồng dân sự được phân thành hai loại: Hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù.
- Hợp đồng có đền bù là loại hợp đồng mà trong đó mỗi chủ thể sau khi đã thực hiện cho bên kia một lợi ích sẽ nhận được từ bên kia một lợi ích tương ứng. Tiền đề là các lợi ích vật chất.
- Hợp đồng không có đền bù là loại hợp đồng mà trong đó một bên nhận được từ bên kia một lợi ích nhưng không phải đền đáp một lợi ích nào. Tiền đề là mối quan hệ quen biết, tình cảm sẵn có giữa các chủ thể.
Căn cứ vào đối tượng của hợp đồng
- Hợp đồng có đối tượng là tài sản: hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng thuê tài sản…
- Hợp đồng có đối tượng là công việc: Hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận
chuyển, hợp đồng gửi giữ…
Căn cứ vào thời điểm phát sinh hiệu lực
- Hợp đồng ưng thuận: là những hợp đồng mà theo quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh ngay sau khi các bên đã thoả thuận với nhau xong về nội dung chủ yếu của hợp đồng. Đây là loại hợp đồng phát sinh hiệu lực tại thời điểm giao kết.
- Hợp đồng thực tế: là loại hợp đồng mà hiệu lực của nó chỉ phát sinh khi các bên đã chuyển giao cho nhau đối tượng của hợp đồng.
Các loại hợp đồng khác
- Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là loại hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. Ví dụ: Bố hoặc mẹ mua bảo hiểm cho con
- Hợp đồng có điều kiện: là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.
Bài viết có hữu ích với bạn? Hãy để lại câu hỏi chúng tôi sẽ phản hồi và cung cấp thêm thông tin tới bạn đọc nắm được những kiến thức mà bạn chưa rõ, đặc biệt là những bạn sinh viên trên con đường lựa chọn ngành nghề học trong tương lai. Chúc bạn thành công.
Xem thêm cái bài viết liên quan khác tại đây